Cuộc đời Friedrich Schiller

Tên đầy đủ là Johann Christoph Friedrich Schiller, sinh ngày 10 tháng 11 năm 1759 tại Marbach (Wurtemberg), con của một bác sĩ giải phẫu trong quân đội. Trong lúc đó, cha ông đang bận bịu với cuộc chiến tranh Bảy năm. Ông được đặt tên theo vua Phổ lúc đó là Friedrich II Đại đế; tuy nhiên, gần như tất cả mọi người gọi ông là Fritz.[1]

Được giáo dục rất tốt cho nghề quân y hòng nối nghiệp cha, nhưng Schiller không thích. Ban đầu Schiller chỉ thích thần học và ôm mộng trở thành mục sư đạo Tin Lành, sau đến năm 17 tuổi (1776) người ta lại thấy ông dùng hết thời giờ để đọc Shakespeare, Voltaire, Rousseau, v.v… một mực lơ là việc học chính.

Dưới mắt bạn bè, Schiller như một người lập dị với những ý tưởng táo bạo, suy nghĩ rắc rối, cộng với chiều cao quá khổ (1m 90). Vậy rồi, không hiểu sao vẫn đậu được tốt nghiệp. Lúc ấy 20 tuổi, ông được bổ làm bác sĩ phụ trách giải phẫu trong quân đội.

Không tí hứng thú nào với nghề quân y, may sao Schiller vẫn được an ủi với mức lương không nhỏ, tha hồ lui ra lui vào các nhà thổ, sòng bạc … cùng với bọn nhà binh. Tại đây ông biết thêm được trò hút thuốc, uống rượu, chơi gái.

Thời gian này dù một đàng gắng gượng hoàn tất các nhiệm vụ, một đàng ngán ngẩm cảnh chơi bời, Schiller vẫn kín đáo nuôi mộng thành nhà văn của mình, rồi vở kịch đầu tay Lũ cướp (Les Brigand) cũng viết xong. Vở kịch được diễn trong quân đội vài lần, nhưng do tố cáo đả kích bọn quyền thế dữ quá, Schiller đã bị răn đe và cấm phát hành vở kịch trên.

Thế là Schiller có lý do để rời quân đội, cũng từ đó, phẫu thuật gia Schiller trở thành thi sĩ kiêm kịch tác gia Schiller.

Ban đầu nhà thơ chuyển đến Frankfurt với ý định sẽ sống tù túng nghèo khổ, như những nhà thơ đi trước. Nhưng khổ cực quá cũng khó mà làm thơ, ông liền ôm sách vở sang Mannheim, cho trình diễn thử vở kịch Lũ cướp. Và bất ngờ được đón nhận nhiệt liệt. Năm đó 21 tuổi, xem như Schiller đã bắt đầu nổi tiếng.

Bước một chân vào bục vinh quang, Schiller hứng khởi viết tiếp những vở kịch bất hủ, như là: Âm mưu của Fiesco ở Genua, Âm mưu và tình yêu, Don Carlos … Những vở này là bằng chứng cho thiên tài của Schiller, từ khi chúng được công diễn, tên tuổi của Schiller được ca ngợi rất mực, tiền trang trải chi tiêu của ông vì thế cũng kha khá. Đến năm 1784, kịch được diễn tại 2 thành phố lớn Leipzig và Dresden, Schiller trở nên rất nổi danh và giàu có.

Năm 1787, Schiller quay về Weimar và yêu ngay cô Charlotte von Kalb - đã có chồng và một con; Mối tình này tuy chẳng vào đâu nhưng cũng làm một cuộc cách mạng tư tưởng trong ông, khi nhận thấy rõ những thói hư tật xấu của mình và người đời. Ngoài ra lúc này ông còn quen và chơi thân với Goethe, người đang được xem là đỉnh cao của thi văn thế giới thời bấy giờ, Goethe rủ ông nghiên cứu thêm về sử học, triết họcluật học.

Tháng 5 năm 1789, ông được mời dạy Sử tại trường đại học Jéna. Thời gian này Schiller lần lượt cho ra đời những bi kịch hết sức giá trị: Wallenstein, Chiếc tất tay, Trinh nữ ở phố Orléans, Wilhelm Tell, Chiến đấu với Rồng, Lời Chuông … Lại thêm nhiều tập thơ, sách sử, sách nghiên cứu nghệ thuật rất được yêu mến.

Cũng trong năm này, mối tình lãng mạn thứ hai lại xảy đến với nhà văn, lần này ông yêu cả hai chị em Caroline (24 tuổi, đã có gia đình) và Charlotte (21 tuổi). Schiller tỏ tình cho cả hai người 1 lúc nhưng chỉ cưới được cô em chưa chồng, lễ cưới được tổ chức tháng 2 năm 1790, với sự góp mặt của Caroline. Thật ra dù được đám cưới, nhưng lòng Schiller vẫn không hết sức vui vẻ, vì tình cảm của ông dành cho cô chị có chồng nặng hơn với cô em. Tuy vậy Schiller vẫn có với Lotte (tên thân mật mà ông gọi Charlotte) 4 đứa con, chung sống 15 năm mới ly dị. Cuộc hôn nhân chưa mấy vẹn toàn này đã đem lại cho ông những ý tưởng mới và sự giải thoát tâm hồn, không phải bức rức vì những chuyện ái ân cản trở nữa.

Năm 1792, ông được cách mạng tư sản Pháp ban tặng danh hiệu "Công dân danh dự" vì những cống hiến bằng ngòi bút cho cuộc đấu tranh tư sản.

Vẫn còn viết mãi, đến ngày 9 tháng 5 năm 1805, do làm việc quá sức, Schiller bị sưng phổi và qua đời, hưởng thọ 45 tuổi. Mười lăm năm sau đó, Lotte (cô vợ cũ của Schiller) cho xuất bản tiểu sử của ông và trở nên có tiếng trong văn đàn Đức.